Mô hình O2O – Phần 3: Phát triển hay tàn lụi vì thương mại điện tử?

Thực hiện:Duy Vũ | 2020-09-10

Bán lẻ truyền thống không chết nếu nó chuyển hóa đủ kịp thời với xu hướng mua sắm và mong mỏi trải nghiệm của người dùng. Và O2O chính là cầu nối cho điều đó. Sự tồn tại của mô hình này vốn dĩ không phải "một mất, một còn" với thương mại điện tử.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, không dừng lại nhu cầu thiết yếu, mà còn ở trải nghiệm trong cách mà doanh nghiệp ứng xử với khách hàng. Việc nhiều người đổ xô mua sắm trên thương mại điện tử hơn tiếp tục làm dấy lên suy đoán rằng bán lẻ truyền thống sẽ chết? Kéo theo nó là mô hình O2O cũng sẽ tàn lụi, không còn hữu dụng?

Trước khi phác thảo một bức tranh tương lai cho bán lẻ trực tiếp và O2O, hãy cùng chúng tôi điểm qua 2 câu chuyện sau tại Việt Nam và Mỹ, nơi có các cấp độ phát triển của bán lẻ trực tiếp và trực tuyến khá khác biệt.

PNJ chuyển đổi số chỉ để bán trang sức online?

Với gần 400 cửa hàng và 7.000 nhân viên, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành kinh doanh trang sức tại Việt Nam. Và hiển nhiên, đây là một là bán lẻ truyền thống đúng nghĩa, với những sản phẩm cũng rất truyền thống.

Tuy nhiên, PNJ sớm nhận thấy những thay đổi của công nghệ, hành vi tiêu dùng và thương mại điện tử, thôi thúc họ không thể đứng ngoài cuộc. Từ giữa năm 2018, PNJ bắt đầu quá trình chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống công nghệ, sử dụng giải pháp ERP-SAP để đồng bộ và tối ưu hóa quy trình vận hành.

Trong nhiều giải pháp chuyển đổi số mà công ty này triển khai, việc đầu tư cho mảng thương mại điện tử mang lại thành công lớn. Đến cuối năm 2019, mảng kinh doanh trực tuyến của PNJ đạt kết quả ngoài mức tưởng tượng, với tốc độ tăng trưởng 3 con số hàng năm. Đáng chú ý là PNJ phát triển thương mại điện tử không phải để thu gọn lại số cửa hàng kinh doanh trực tiếp của mình, mà chính là thay đổi thói quen, kênh tiếp cận sản phẩm cho khách hàng, theo hướng O2O.

Cụ thể, công ty này cho biết, người tiêu dùng của họ đã thay đổi từ chọn cửa hàng làm điểm chạm đầu tiên sang tìm kiếm trước trên website, thông tin trên mạng, không gian kỹ thuật số... rồi mới đến cửa hàng mua sắm. Ngay tại chính cửa hàng, quá trình số hóa cũng được áp dụng, với hệ thống camera thông minh, tích hợp với công nghệ AI để đề xuất cho khách hàng những trải nghiệm sản phẩm cá nhân hóa nhất….

Nhằm đáp ứng những nhu cầu trải nghiệm mới nhất trong xu hướng phát triển của thương mại điện tử, từ năm ngoái, tập đoàn này ra mắt mô hình cửa hàng PNJ Next mang đến không gian không chỉ để mua sắm mà còn thưởng lãm, check-in và selfie… cho khách. Ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ khẳng định, các chuỗi cửa hàng PNJ sẽ "không chỉ là cơ sở dịch vụ, mà còn là địa chỉ để gia tăng mọi giá trị cho khách hàng".

Nói cách khác, PNJ chuyển đổi số và làm thương mại điện tử không phải để chuyển mình thành một hãng kim hoàn trực tuyến mà nhằm giúp cho hệ thống bán lẻ trực tiếp như "hổ mọc thêm cánh" qua mô hình O2O.

Tháng 6/2020, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Lê Trí Thông đánh giá sức mua nữ trang toàn thị trường năm nay giảm. Để thích ứng, tập đoàn này vẫn tiếp tục mở rộng các cửa hàng tại các tỉnh thành cấp 2 và 3 để tận dụng việc sức mua bị ảnh hưởng ít hơn các thành phố lớn. Ngoài ra, các mô hình đề cao sự trải nghiệm như PNJ Next vẫn sẽ được ưu tiên phát triển.

Amazon tham vọng gì với bán lẻ trực tiếp?

Amazon là gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, ở quê nhà, Amazon không chỉ kinh doanh trực tuyến. Những năm gần đây, họ hiện diện khá rõ nét trên thị trường bán lẻ trực tiếp.

Nếu nghĩ rằng, với sức mạnh và tương lai thương mại điện tử là duy nhất, thì có lẽ, Amazon không phải đi ngược xu thế là từ bán online lấn sân sang offline. Rõ ràng, Amazon nhìn thấy một tương lai khác của ngành bán lẻ, tương lai mà hai kênh trực tuyến và trực tiếp bổ trợ cho nhau, hay nói cách khác là sự tiếp tục "tiến hóa" của O2O.

Năm 2017, Amazon mua lại chuỗi bán lẻ Whole Foods. Đây được xem là một thương vụ thâu tóm có lợi, không chỉ vì hệ thống này đang làm ăn có lãi mà nó còn chính là mắc xích kết nối O2O tuyệt vời. Theo đó, các địa điểm kinh doanh của Whole Foods chính là các cứ điểm hàng hóa để Amazon không chỉ phong phú thêm nguồn hàng tạp hóa trên trang trực tuyến mà còn có thể phân phối cho người tiêu dùng nhanh hơn. Ngược lại, mua Whole Foods, Amazon tự tin có thể hỗ trợ cho hệ thống này lớn mạnh hơn nữa bởi có thêm kênh thu hút khách hàng khổng lồ chính là người dùng trực tuyến sẵn có của hãng. Có thể nói, với Whole Foods, Amazon có một mô hình O2O 2 chiều, tức Online – to – Offline và cả Offline – to – Online.

Sau Whole Foods, tương lai bán lẻ trực tiếp không phải là cái chết như mọi người lo lắng mà với Amazon là một trải nghiệm hoàn toàn mới, công nghệ và thuận tiện hơn. Cụ thể, đến tháng 3/2020, Amazon điều hành 25 cửa hàng Go Grocery ở Seattle, New York, Chicago và San Francisco.

Điểm đặc biệt của hệ thống này là các cửa hàng sử dụng một loạt các máy ảnh, cảm biến trên kệ và phần mềm để cho phép người mua sắm chọn các mặt hàng và đi ra ngoài mà không cần dừng lại để thanh toán hoặc quét hàng hóa. Tài khoản sẽ tự động bị tính phí thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh sau khi người mua hàng đến lấy sản phẩm và đi thẳng khỏi cửa hàng.

Amazon hy vọng chuỗi Go Grocery sẽ đóng vai trò là nơi trưng bày công nghệ của hãng để bán giải pháp này cho các nhà bán lẻ trực tiếp khác chứ không phải "sống còn" với họ. Đây cũng là nỗ lực mới nhất của Amazon nhằm hợp tác với một số nhà bán lẻ truyền thống mà trước đây họ xem Amazon là mối đe dọa. Thực tế, những năm gần đây, Amazon cũng đã ký các thỏa thuận với Rite Aid và Kohl’s để xử lý việc nhận hàng hoặc trả hàng, giúp thúc đẩy lượng người đến cửa hàng của họ, giải pháp khá phổ biến của O2O.

Bán lẻ online và offline đều có thể cùng tăng trưởng

Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ trong năm 2019, người tiêu dùng nước này đã chi 601,75 tỷ USD mua sắm trực tuyến, tăng 14,9% so với năm trước. Khi người mua có thể tìm thấy hầu hết mọi thứ trên Amazon thì bán lẻ trực tiếp nên tận dụng O2O để xây dựng cái được chuyên gia gọi là "trải nghiệm khách hàng vượt trội".

Raydiant, một hãng tư vấn tiếp thị tại điểm bán của Mỹ gần đây phát hành nghiên cứu cho biết, những người mua sắm trực tuyến thường xuyên vì sự thuận tiện (47,8%), giảm giá độc quyền (15,4%) và giao dịch nhanh chóng (11,9%). Trong khi đó, người mua sắm trực tiếp đánh giá cao khả năng tận mắt nhìn và chạm vào sản phẩm và coi tính hữu hình là lý do hàng đầu để mua sắm tại cửa hàng (40,4%); tiếp đến là trải nghiệm tại cửa hàng, với 38,4%.

Mọi người đang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nhưng nghiên cứu của Raydiant cho thấy rằng chính xác thì mọi người đang mua sắm nhiều hơn trên tất cả các kênh. Theo báo cáo, 76,3% số người được hỏi đang mua sắm nhiều hơn hoặc cùng số lượng với kênh trực tuyến, trong khi 68% số người được hỏi đang mua sắm nhiều hơn hoặc cùng số lượng tại các cửa hàng.

Hóa ra, cái chết của bán lẻ đã được phóng đại rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng và thương hiệu tiếp tục đóng cửa các địa điểm, điều này dẫn đến câu hỏi thực sự: Các nhà bán lẻ có thể làm gì để giữ chân người mua hàng? Câu trả lời là hãy dùng O2O, kết hợp cùng một số chiến lược khác:

1- Phát huy vai trò của nhân viên tư vấn: Thay vì giới hạn vai trò cho nhân viên bán hàng và thu ngân, hãy đào tạo nhân viên cửa hàng để thực hiện các mục đích hấp dẫn hơn. Huấn luyện và cung cấp thông tin cho nhân viên nhiều hơn về các sản phẩm và thương hiệu trong cửa hàng để họ có thể đóng vai trò như một người bạn và nhà tư vấn cho người mua sắm. Khách hàng trực tuyến không thể đi dạo với một con người thực sự và nhận được lời khuyên, nhưng những kết nối của con người đó có thể phân biệt bán lẻ với các lựa chọn thay thế thương mại điện tử.

2- Tổ chức các sự kiện đặc biệt: Người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thích sự trải nghiệm. Vì thế, hãy cung cấp cho họ những gì họ muốn bằng cách tổ chức các sự kiện đặc biệt trong và ngoài cửa hàng. Ví dụ, một cửa hàng đồ dùng nhà bếp có thể tiếp thị sảnh bánh ở địa phương. Rạp chiếu phim có thể tham gia với cửa hàng truyện tranh để bán hàng trước khi có phim mới. Ngoài ra, cần có các phần thưởng để khuyến khích người tham gia sự kiện chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội.

3- Tích hợp lòng trung thành online và offline: Khi người mua hàng lập tài khoản trên trang web cửa hàng, những tài khoản đó thường không làm gì khác ngoài việc đưa người dùng vào danh sách nhận email tiếp thị và ghi nhớ địa chỉ giao hàng.

Tuy nhiên, bằng cách cung cấp cho những khách hàng online trung thành một vài đặc quyền tại cửa hàng, các nhà bán lẻ có thể cho người mua hàng lý do để tiếp tục quay lại. Ngay cả các cửa hàng không thuộc chuỗi cũng có thể tham gia vào hoạt động này. Thông báo trực tuyến cho những khách hàng hội viên đã có tài khoản về các sự kiện đặc biệt, cung cấp các đặc quyền miễn phí hoặc các dịch vụ độc quyền để họ có thêm lý do đến tham dự.

Nhìn chung, ngành bán lẻ trực tiếp vẫn đang trong một bối cảnh đầy thách thức, với ngắn hạn bởi đại dịch và dài hạn bởi thương mại điện tử. Rõ ràng, không thể chối cãi việc mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục mở rộng, khách hàng sẽ tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm mới và tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ hiểu biết sẽ nhìn về tương lai, với O2O là chiếc cầu nối để họ cộng sự sự thành công của online và trong offline.

---

#SmartiesSeries: chuyên đề cập nhật các giải pháp marketing mới nhất ứng dụng xu hướng phát triển của Martech, chuyển đổi số… trong kinh doanh để tương tác với khách hàng hiệu quả và sau cùng là gia tăng doanh thu.

Nguồn: http://vannghetre.com.vn/mo-hinh-o2o-phan-3-phat-trien-hay-tan-lui-vi-thuong-mai-dien-tu-6535.html


BÀI NỔI BẬT:


Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt

Thực hiện:Tổng hợp | 2021-12-01

Qualcomm trở thành cầu nối quan trọng đưa sáng tạo Việt vươn tầm thế giới.

Các diễn giả tham gia Hội thảo “Qualcomm mang khởi nghiệp Việt chinh phục đẳng cấp quốc tế”

Chương trình “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 - QVIC 2022” đã chính thức phát động với con số hỗ trợ tài chính dự kiến lên đến 375,000 USD cùng nhiều lợi ích về hỗ trợ nền tảng công nghệ và sở hữu trí tuệ dành cho các start-up.

Theo đó, QVIC khuyến khích các công ty khởi nghiệp Việt Nam tận dụng sự hỗ trợ về nền tảng công nghệ và tài chính của Qualcomm để tạo ra nhiều phát minh, sáng kiến cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và trên toàn thế giới.

Là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ di động, Qualcomm thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với hệ sinh thái không dây tại Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ như dữ liệu di động (5G, 4G, NB-IOT), máy học... cùng sáng kiến về phòng thí nghiệm, thiết kế hệ thống, module tham chiếu…

Tận dụng được hệ sinh thái công nghệ toàn cầu với đội ngũ kỹ sư hùng hậu và liên kết với các đối tác quốc tế, các chuyên gia đầu ngành để huấn luyện và cố vấn kinh doanh, kết nối nối thương mại, đối tác khách hàng và các quỹ đầu tư, Qualcomm trở thành cầu nối quan trọng đưa sáng tạo Việt vươn tầm thế giới.

Bà Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm chia sẻ tại hội thảo
Bà Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm chia sẻ tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Qualcomm mang khởi nghiệp Việt chinh phục đẳng cấp quốc tế” diễn ra vào ngày 25/11 vừa qua, bà Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm, người trực tiếp vận hành QVIC tại Việt Nam, chia sẻ không có gì ý nghĩa hơn cho các startup khi các phát minh của mình được ứng dụng cho hàng tỉ người trên thế giới sử dụng. Ở góc độ cá nhân, bà rất tự hào khi Việt Nam được chọn làm nước thứ 3 triển khai QVIC sau Ấn Độ và Đài Loan cho thấy khởi nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tham gia cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.

Ngày nay, sự cạnh tranh của startup không chỉ dừng lại ở công nghệ, sản phẩm, dịch vụ...mà đã chuyển qua giai đoạn cạnh tranh về sức mạnh mạng lưới quan hệ mà startup sở hữu. "Đứng trên vai người khổng lồ" - hợp tác với các tập đoàn lớn - chính là cách thông minh để xây dựng hệ sinh thái bao quanh startup, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động tiếp cận, lựa chọn, tận dụng các nguồn lực phù hợp để xây dựng bệ phóng vững chắc.

Theo chia sẻ của bà Trương Lý Hoàng Phi, startup Việt cần mài sắc kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn và tận dụng tối đa các nguồn lực từ các tập đoàn hàng đầu để phát triển công nghệ, mang sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.

Cuộc thi "Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 - QVIC 2022" mang lại cơ hội hợp tác giữa startup Việt Nam và Qualcomm. BSSC với vai trò là Program Partner của Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 - QVIC 2022, sẽ phối hợp thực hiện và kết nối các nguồn lực trong chương

Hạn đăng ký QVIC 2022: 15/12/2021

Link đăng ký: Tại đây


Từ du lịch đến công nghệ 4.0

Thực hiện:CEO Hoàng Trọng Quyền | 2021-07-05

Từ du lịch đến công nghệ 4.0

ALL iN ME là xu hướng mới về Name Card 4.0

Những cú đấm bồi liên tiếp của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm ngưng và cũng không ít doanh nghiệp phải làm thêm công việc khác để duy trì "đứa con" của mình.

Ông Hoàng Trọng Quyền CEO công ty du lịch và truyền thông Đại Dương đã chuyển hướng cho xây dựng sản phẩm công nghệ thẻ cá nhân thông minh. Tạo điều kiện cho những cộng sự của mình vượt qua khó khăn chờ đợi tâm dịch qua đi.

Khi mà thời đại công nghệ 4.0 phát triển, chúng ta có điện thoại thông minh, tivi thông minh, bàn ghế thông minh… và bây giờ là một thứ nhỏ bé, có thể bỏ vừa vào ví và mang đi mỗi ngày, nhưng lại giúp ích cho chúng ta trong rất nhiều trường hợp. Đó là thẻ cá nhân thông minh đến từ AllinMe.

Làm gì làm, phải có cái danh thiếp 4.0 thông minh cho bằng bạn bằng bè

Trong những lần giao tiếp công việc, xã giao bạn bè hay một cuộc gặp gỡ, làm quen thì sau đó sẽ trao đổi thông tin qua lại như: "Cho em số điện thoại nhé", "Zalo anh là gì ạh?", “Facebook luôn em nhé… Sau đó sẽ là những hành động cặm cụi bấm số điện thoại và tìm tài khoản của họ. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy tình huống ấy khá rườm rà và thiếu chuyên nghiệp.

Với Namecard 4.0 từ ALLiNME rất đơn giản: chỉ việc đưa chiếc thẻ cá nhân thông minh này cho đối tác, bạn bè với một lần chạm hoặc quét, bạn đã có thể chia sẻ những thông tin về bản thân như số điện thoại, email, website, zalo, facebook… Với giải pháp “ Chạm” và “Quét “ là một thao tác đơn giản thì quả là một phương án tiện lợi phải không?

Ứng dụng 2 công nghệ có sẵn trên các dòng điện thoại thông minh hiện nay

ALLiNME đưa ra giải pháp ứng dụng 2 công nghệ có sẵn trên các dòng điện thoại thông minh hiện nay để trao đổi và kết nối. Điện thoại của bạn sẽ nhận thông tin từ thẻ cá nhân ALLiNME bằng tính năng chạm hoặc sử dụng bộ mã quét bằng hình ảnh QR Code. Đây đều là những tính năng trao đổi thông tin cơ bản, có tính ứng dụng cao mà hầu hết được trang bị ở các dòng điện thoại thông minh trên thị trường hiện nay. Bạn có thể tự tin sử dụng chiếc thẻ cá nhân ALLiNME để kết nối với bạn bè, đối tác một cách nhanh chóng và sành điệu.

Khi sở hữu tấm thẻ cá nhân thông minh này trên tay, bạn có thể chủ động chỉnh sửa, thêm bớt hay quản lý các thông tin của chính mình. Không những vậy, bạn không cần cung cấp mật khẩu đăng nhập các trang mạng xã hội cũng như quyền truy cập dữ liệu, thay vào đó bạn chỉ cần chèn các đường dẫn truy cập (đường link) của trang mạng xã hội mà bạn muốn chia sẻ, vì thế, người dùng sẽ không cần phải băn khoăn về tính riêng tư hay bảo mật của sản phẩm.

Đơn giản nhưng không kém phần hiện đại, sang trọng

Vậy ALLiNME mang lại cho chúng ta là gì?

Đó là sự tiện dụng, an toàn và tiết kiệm. Thay vì phải mang theo hàng tá danh thiếp truyền thống chứa đựng ít ỏi thông tin thì nay bạn chỉ cần đúng 1 chiếc thẻ với kích cỡ tương đương thẻ ngân hàng là mọi việc đã được giải quyết. Trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay, khi mà xu hướng hạn chế tiếp xúc trong giao tiếp "Contactless" được mọi người dành một sự quan tâm nhất định thì ALLiNME là giải pháp hàng đầu trong vấn đề này.

Tiện lợi, thân thiện, mang lại nhiều cơ hội hơn

Để biết chi tiết hơn về giải pháp này bạn có thể truy cập website của ALLiNME tại đây: www.allinme.vn


Những startup Việt đầy tham vọng

Thực hiện:Đỗ Tài | 2020-12-09

Khi cuộc sống ngày một phát triển nhanh hơn, nhu cầu sử dụng những tiệc ích của con người cũng tăng lên từng ngày. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng ta cần một thế hệ trẻ đầy tiềm năng và nhiệt huyết, tiên phong trong việc tạo ra những giá trị mới, làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Đó chính là những startup trẻ không ngần ngại dấn thân để tìm đến thành công với mục đích mang đến những trải nghiệm mới cho người dùng, khách hàng trong thời đại mới.

Mới đây, cuộc thi Startup Wheel 2020 đã chọn ra 10 startup tiêu biểu nhất, những người trẻ có ý tưởng đột phá và đầy bản lĩnh:

Dự án bắt nguồn từ tham vọng "Nâng tầm tri thức Việt" - Voiz FM - Audio Platform and AI Voice

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: CEO Trần Ngọc Thái, CCO: Lê Hoàng Thạch, CTO: Lâm Huy Vũ

Xã hội đang phát triển nhanh, người trẻ ngày càng hối hả với công việc, các mối quan hệ xã hội, hay các trào lưu mạng xã hội sớm nở tối tàn, thì thời gian dành cho sách dễ dàng bị loại ra khỏi thứ tự ưu tiên. Bên cạnh việc chưa ý thức được tầm quan trọng của thói quen tiếp thu kiến thức từ sách thì có một lý do khá quan trọng là thời gian sinh hoạt bận rộn.

Thấy được điều này, nhóm điều hành mong muốn sử dụng công nghệ thông tin qua âm thanh (Auditory) để mang đến giải pháp thay đổi thói quen đọc sách cho người dùng bận rộn. Cụ thể, thông qua ứng dụng Voiz FM, công ty chuyển thể những quyển sách giấy thành sách nói (audio book). Những cuốn sách này giúp người dùng tận dụng thời gian linh hoạt hơn. Chỉ cần một chiếc điện thoại, người dùng có thể nghe sách vào bất kỳ thời gian nào và ở bất cứ đâu; lúc chờ và đi xe buýt, chạy bộ buổi sáng, nấu cơm, làm việc nhà, lái xe…

Tại Việt Nam, tuy sách nói không mới lạ nhưng chưa được quan tâm và đầu tư bài bản. Bên cạnh sản phẩm sách nói, Voiz FM cũng mở rộng sản phẩm sang Podcast - một hình thức sáng tạo nội dung bằng âm thanh, đang là xu hướng trên thế giới. Với đa dạng chủ đề từ tin tức, giải trí, kỹ năng, lịch sử, hôn nhân, rèn luyện sức khỏe đến nuôi dạy con cái, ứng dụng giúp những nhà sáng tạo nội dung (content creators) có thể chia sẻ, lan tỏa kiến thức của mình đến với cộng đồng qua âm thanh.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 vừa qua, Voiz FM đã có những bước phát triển thần tốc với số lượng người dùng tăng gấp đôi chỉ trong 4 tuần, điều này cho thấy nhu cầu sử dụng sách nói và podcast của người dân đang tăng cao.

Đường thốt nốt Palmania

Loại hình: Nông nghiệp

Nhóm điều hành: Châu Ngọc Dịu

Với mong muốn tìm lại và vực dậy sản phẩm đường thốt nốt sệt được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống với chất lượng cao cũng như tiêu chuẩn nguyên chất, sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, Châu Ngọc Dịu và 2 người bạn đã lập nên Palmania. Tâm nguyện của họ không chỉ là cung cấp và nâng tầm sản phẩm đường thốt nốt của quê hương An Giang, Palmania còn mong muốn góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh An Giang tiếp tục giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống đồng thời gia tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh việc giữ gìn sản phẩm đường thốt nốt sệt truyền thống, phát triển sản phẩm mới để tạo ra nhiều lựa chọn, sự tiện dụng, mới lạ cho người tiêu dùng luôn là điều Palmania mong muốn ấp ủ. Chính vì vậy sau 2 năm không ngừng nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, Châu Ngọc Dịu đã phát triển thành công sản phẩm mới đường thốt nốt bột Palmania hoàn toàn nguyên chất, tự nhiên, không phụ gia, không sử dụng phương pháp tách mật và điều đặc biệt là sản phẩm giữ được trọn vẹn hương thơm, vị ngon đặc trưng và những đặc tính quý giá của đường thốt nốt.

WECARE 247

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: Nghiêm Minh Hoàng

Khác với các mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã có mặt trên thị trường, WECARE 247 ra đời những sự khác biệt khá lớn. Vào tháng 10/2017, dựa trên nhu cầu của xã hội cùng với tâm huyết với nghề điều dưỡng, WECARE 247 được ra đời với vai trò là một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho khách hàng.

Hơn thế nữa, WECARE 247 không chỉ đơn thuần là một công ty cung cấp dịch vụ mà còn là giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện thông qua việc đưa công nghệ thông minh vào mô hình kinh doanh, nhằm kết nối đội ngũ chăm sóc sức khỏe đã được đào tạo chuyên nghiệp với kiến thức và kinh nghiệm thực tế đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Với ứng dụng này, mọi người có thể lựa chọn chính xác dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết và liên tục được hỗ trợ dựa theo nhu cầu cá nhân. Nghiêm Minh Hoàng và đội ngũ nhân viên luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng 24/7 nhằm mang đến trạng thái thoải mái và khỏe khoắn nhất cho người bệnh và người thân của họ.

BIOSTARCH - Bao bì bảo quản thực phẩm từ màng sinh học

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: Trần Thị Diễm My

Túi bảo quản được làm từ hạt nhựa sinh học, làm từ tinh bột sắn mì công nghiệp Việt Nam. Sản phẩm giúp rau quả trái cây tươi lâu hơn 10-20 ngày tùy điều kiện và sản phẩm túi có khả năng phân hủy sinh học sau 06 tháng, nhờ đó giúp giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải nhựa và lãng phí thực phẩm. Với trăn trở đó, BIOSTARCH đã cho ra đời sản phẩm kết hợp giữa nguyên liệu và trí tuệ Việt Nam, Túi bảo quản sinh học. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu hạt nhựa sinh học sản xuất tại Việt Nam.

mong muốn nâng cao giá trị cây sắn mỳ công nghiệp Việt Nam, một loại cây chuyên dùng làm thức ăn gia súc và thường được trồng trong các chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, cây sắn mỳ thân thuộc sẽ trở thành vật liệu giá trị kinh tế cao, giúp nông sản xuất khẩu Việt Nam đi xa hơn và giá trị cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mang lại giá trị bền vững cho tất cả các bên trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng. Và trên hết, việc cung cấp một giải pháp hữu ích cho bài toán bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu, giúp giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải nhựa và lãng phí thực phẩm hiện nay.

Coolmate.me Chuyên trang online mua sắm đồ cơ bản cho nam giới đầu tiên tại Việt Nam

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: CEO: Phạm Chí Nhi, CTO: Nguyễn Văn Hiệp, CMO: Nguyễn Hoài Xuân Lan

Được hình thành trong thời đại 4.0, Coolmate áp dụng sức mạnh của công nghệ vào thời trang để đưa ra Giải pháp mua sắm đồ cơ bản cho nam giới với mô hình tiện lợi hơn, tiết kiệm hơn - khách hàng có thể mua cả tủ đồ đảm bảo chất lượng, giá tốt, giao hàng nhanh chóng, và dịch vụ chăm sóc vượt trội.

Các sản phẩm may mặc của Coolmate từ khâu thiết kế, dệt vải, nhuộm vải, cắt may, hoàn thiện đều được thực hiện trong những nhà máy sản xuất địa phương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bởi những bàn tay khéo léo với cái tâm mang đến những sản phẩm được gắn tag “Tự hào sản xuất tại Việt Nam".

Umbalena - Ứng dụng đọc sách hàng đầu cho trẻ em Việt Nam

Loại hình: Giáo dục

Nhóm điều hành: Lê Thị Cẩm Trinh

Ứng dụng Umbalena mang đến một kho nội dung học tập và giải trí đa dạng, lành mạnh bằng Tiếng Việt dành cho trẻ em, giúp trẻ hình thành thói quen đọc hiểu, phát triển tư duy, mở mang kiến thức và bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho bé.

Công nghệ cũng giúp giảm mạnh chi phí cho việc tiếp cận nội dung học tập và giải trí của trẻ em ở khắp mọi nơi. Kho nội dung được xây dựng bởi các chuyên gia về giáo dục và ngôn ngữ hàng đầu Việt Nam, có nội dung phong phú về đề tài, thể loại, kiến thức đời sống xã hội, kiến thức khoa học, hình ảnh đẹp, có tính nghệ thuật, được phân loại theo mức độ từ dễ đến khó, thuận lợi cho trẻ tiếp thu theo hệ thống và sự trưởng thành của trẻ.

VietMani

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: Founder VietMani - Lê Đăng Thắng, Co – Founder - Kiều Đăng Trường, Co – Founder – Nguyễn Thị Trang

VietMani - Viết tắt của Vietnam Manipulator Company Limited là công ty đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chế tạo, thương mại hóa sản phẩm tay máy công nghiệp mang thương hiệu Việt. Cánh tay công nghiệp hỗ trợ nâng hạ thông minh và an toàn là lựa chọn tối ưu cho hoạt động sản xuất ngày nay.

“Remove the weight for your work" – “Loại bỏ khối lượng khỏi công việc của bạn" là sologan chính thức của VIETMANI. Người Việt Nam nói riêng, người lao động nói chung đang gặp rất nhiều vấn đề trong quá trình làm việc với các vật nặng, VIETMANI mong muốn luôn luôn đồng hành cùng người lao động, tạo ra những sản phẩm hỗ trợ người lao động trong quá tình sản xuất giúp.

SmartDialog – Nền tảng hội thoại thông minh

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: Nguyễn Hoàng Kỳ

SmartDialog có một đam mê mãnh liệt với xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói chung và giải quyết các bài toán về ngôn ngữ tiếng Việt nói riêng. SmartDialog là niềm khao khát tạo ra được sự khác biệt, cung cấp giải pháp mang lại nhiều giá trị cho các doanh nghiệp Việt, con người Việt.

Nền tảng hội thoại thông minh SmartDialog ra đời với tham vọng to lớn là định nghĩa lại khái niệm "bot", xây dựng các chatbot, voicebot, trợ lý ảo thực sự "thông minh", có thể giao tiếp được với con người theo cách tự nhiên nhất.

SmartDialog là nền tảng hội thoại thông minh ứng dụng triệt để trí tuệ nhân tạo, cung cấp các giải pháp xây dựng Chatbot, Voicebot, trợ lý ảo. Nền tảng giải quyết các bài toán khó trong tiếng Việt, đáp ứng yêu cầu triển khai linh hoạt cho các nghiệp vụ từ đơn giản đến phức tạp.

InfraSen - Cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: Nguyễn Trần Thuật

Dự án tập trung phát triển làm chủ công nghệ nguồn và chế tạo thành công các cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt ứng dụng trong dân dụng, an ninh và quốc phòng.

Các cảm biến này được dùng trong việc đo thân nhiệt từ xa giúp phòng tránh những dịch bệnh lây nhiễm gây sốt, nguy hiểm trong cộng đồng, đồng thời ứng dụng trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh thông minh.

Cảm biến cũng được dùng trong việc điều khiển thông minh, giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng trong tòa nhà.

Cảm biến đặc biệt hữu dụng trong các ứng dụng an ninh, quốc phòng và phát hiện chuyển động của các vật thể có nhiệt độ cao hơn môi trường xung quanh.

ADVO - Giải pháp thương mại tối ưu trên mạng xã hội

Loại hình: Công nghệ

Nhóm điều hành: Tài Huỳnh, Hoà Phan, Hằng Trần,...

ADVO là giải pháp tối ưu nhằm hỗ trợ khách hàng triển khai các hoạt động thương mại trên mạng xã hội, giúp chuyển đổi Người Tiêu Dùng (Consumer) thành Người Ủng Hộ Thương Hiệu (Brand Advocate) và lan toả sức ảnh hưởng bằng phương pháp Truyền-miệng-kỹ-thuật-số (Digital Word-of-Mouth)

Với sứ mệnh biến mỗi tương tác trên mạng xã hội thành chuyển đổi, ADVO kỳ vọng là một trong những lựa chọn hàng đầu cho doanh nghiệp khi mong muốn triển khai chiến lược thương mại trên mạng xã hội, chiếm một tỷ trọng trong thị phần hơn 10 tỷ đô từ năm 2020. Và là một trong những giải pháp tiên phong giúp Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đẩy mạnh mô hình mạng xã hội thương mại vốn đã rất thành công ở Trung Quốc trong 5 năm gần đây.


Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam

Thực hiện:Huỳnh Phong | 2020-12-09

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – TechFestVietnam được chủ trì bởi Bộ Khoa học Công nghệ, Diễn Đàn Cấp cao Công nghệ tiên phong Việt Nam 2020 (Vietnam Frontier Tech Summit) do công ty tư vấn công nghệ YellowBlocks phụ trách đã diễn ra thành công với sự tham gia của các đại diện từ Việt Nam, Mỹ, Anh, Singapore, Áo, Úc, Trung Quốc.

Chủ đề Công nghệ Tiên Phong - Tương lai hay Hiện tại được các diễn giả khai thác, mổ xẻ để mang đến cho thế hệ hôm nay góc nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về công nghệ tiên phong.

Công nghệ tiên phong thay đổi cuộc sống con người

Định nghĩa về công nghệ tiên phong, Dietmar Schawank – Tham tán Thương mại, Cơ quan Chính phủ Áo cho biết: “Công nghệ tiên phong là một công nghệ mới hoặc mới được sử dụng có khả năng thay đổi hoặc làm gián đoạn cuộc sống hiện đại và xã hội".

Công nghệ tiên phong trong thời đại hiện nay nắm giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp và rộng hơn là đời sống của con người. Một số công nghệ được xếp vào nhóm tiên phong gồm có: AI - Trí tuệ nhân tạo, Blockchain - Công nghệ chuỗi khối, Cloud - Nền tảng đám mây, VR/AR - Thực tế ảo, Big Data - Dữ liệu lớn, IoT, Thành phố thông minh,…

Bà Yuan Yi – đồng sáng lập Hiverlab về công nghệ thực tế ảo tại Singapore chia sẻ: “Về năm 2020 thì nhiều công nghệ tiên phong là khoa học số, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, đa phương tiện, IoT, 5G, công nghệ điện tử cloud,... chúng là công nghệ tiên phong của thế hệ ta, nhưng một ngày nào đó chúng sẽ trở thành một thứ rất quen thuộc cho thế hệ tương lai. Rất quan trọng khi chúng ta suy nghĩ đổi mới và nghiêm chỉnh về việc chúng ta có thể tận dụng công nghệ tiên phong như thế nào và tập luyện với chúng bằng một cách thức có trách nhiệm để ta có thể có một tương lai tốt đẹp".

Nhận thấy sự phát triển, tiềm năng của công nghệ tiên phong tại Việt Nam hiện nay, phía Cơ quan Chính phủ Áo cam kết sẽ thúc đẩy trao đổi song phương giữa Việt Nam và Áo trong vùng đổi mới và công nghệ. “Chúng tôi dự định trở thành một nền tảng và sự thúc đẩy giữa chuyên môn công nghệ công nghiệp của Áo và sự khởi nghiệp sôi động ở một bên, và hệ sinh thái tương tác đổi mới và tập đoàn lớn của Việt Nam ở bên còn lại. Với lĩnhvực AI 4.0, công nghệ bảo hiểm, công nghệ nông nghiệp, hoặc các công nghệ thông minh khác, chúng có rất nhiều cơ hội cho các hoạt động song phương cho hai nước chúng tôi. Hãy tận dụng chúng!", Diet Schwank khẳng định.

Tiềm năng của Việt Nam với công nghệ tiên phong

Không đứng ngoài guồng quay của thế giới, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển về công nghệ tiên phong. Việt Nam có dân số đông, cùng kỹ năng và sự am hiểu về công nghệ cao trong môi trường kinh tế. Điều này trở thành lợi thế để phát triển và mở rộng giải pháp công nghệ tiên phong.

“Trong lúc có thể sử dụng thị trường trong nước của gần 100m người để thử và phương pháp, hội nhập khu vực và toàn cầu của nó còn cho các doanh nhân Việt Nam một cơ hội để chinh phục thị trường rộng lớn hơn", Dietmar Schwank bày tỏ.

Thực tế, những năm vừa qua, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, điều này nói lên rằng hệ sinh thái công nghệ tiên phong là thứ có thể vượt ra ngoài ranh giới quốc gia. “Với sự ký kết của RCEP, chúng ta có thể đoán trước tương lai mà hợp tác giữa các vùng sẽ được nâng cao. Đây sẽ làmột thời gian thú vị cho châu Á. Tôi đã gặp nhiều nhà đổi mới trong khu vực tư nhân và nhà nước ở Việt Nam, họ là những nhà tư tưởng và là những người chịu làm, và tôi rất mong đợi để được làm việc với họ và đóng vai trò của chúng tôi trong việc hình thành một xã hội đổi mới và hòa nhập cho khu vực", bà Yuan Yi chia sẻ.

Có thể thấy, phía Cơ quan Chính phủ Áo lẫn Hiverlab đều nhìn nhận cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh công nghệ tiên phong. Nhờ đó, Việt Nam có thể sánh ngang với các quốc gia khác trên thế giới, không bao giờ bị bỏ lại phía sau.

Trong khuôn khổ Techfest năm nay, Dietmar Schwank đề cao việc hợp tác với Việt Nam: “Là lãnh đạo trong công nghiệp 4.0, Áo có sự chuẩn bị rất kỹ càng để định hình và hưởng lợi từ xu hướng sản xuất trong tương lai. Áo rất sẵn lòng hợp tác với Việt Nam, một nước với công nghiệp 4.0 “tươi trẻ” với một nền công nghiệp phát triển và khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng công nghiệp 4.0".


Bạn có thể không phải người xuất sắc nhất nhưng phải là người hạnh phúc!

Thực hiện:Hường Nguyễn | 2020-12-07

Tuổi trẻ đếm không xuể những lần rơi vào trạng thái cảm xúc đầy khủng hoảng. Đó là bởi ai bước ra khỏi giảng đường đại học cũng loay hoay tìm kiếm chính mình, tìm kiếm con đường có thể đưa bản thân trở thành ngôi sao, ít nhất là trong mắt gia đình, bạn bè thân quen, đồng nghiệp bên cạnh.

Nhưng rồi, sẽ có nhiều người trong số đó nhận ra bản thân không giỏi hơn người khác, xuất phát điểm thấp hơn người khác nên sẽ không có được thành tựu như họ. Chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng chỉ cần được ai đó công nhận, nghĩa là bản thân đã thành công mà quên mất rằng, tự công nhận chính bản thân mình và hạnh phúc với điều đó mới là thành công vẻ vang. Như Giám đốc điều hành BuzzMetrics Tăng Gia Hải Lam chia sẻ rằng, anh không phải người xuất sắc nhất nhưng là người hạnh phúc trong công việc.

Xuất phát điểm thấp không phải bất lợi

Có thể hôm nay, bạn vẫn là một cô cậu sinh viên vừa cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp và đem theo nhiệt huyết miệt mài với công việc đầu tiên. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, bạn nhận ra rằng bản thân thật yếu kém so với những đồng nghiệp khác. Khi họ đã ký được vài ba cái hợp đồng lớn, hay đã lên được chức trưởng phòng, bạn vẫn còn loay hoay với vị trí nhân viên cùng mức lương vài triệu đồng ít ỏi. Khi họ đã có những trải nghiệm về trao đổi văn hóa qua những chuyến công tác, vài người từng đi du học, vài người có cả kỹ năng tiếng Anh trôi chảy, bạn cũng chỉ là một đứa trẻ mới lớn, mới dấn thân vào nghề và còn bị áp lực đồng tiền đè nặng.

Giữa nhiều yếu tố, sự ganh đua từ cuộc sống và xã hội này, không thiếu người trẻ tự trách rằng bản thân không có một xuất phát điểm tốt hơn để trở thành một người xuất chúng hơn. Vô hình chung, bạn cảm thấy không còn yêu nghề nữa, muốn lựa chọn con đường khác dễ biến bản thân thành người xuất sắc nhất. Vì sao người khác vừa bắt đầu đã thuận lợi thăng tiến, còn bạn lại chẳng thể tìm được chỗ đứng vững chắc?

Vậy tôi hỏi bạn, ngay từ lúc bắt đầu, bạn đã nỗ lực hay chưa? Chúng ta chỉ hỏi rằng vì sao bản thân không đạt được những điều đó mà không hỏi rằng chúng ta đã làm gì để xứng đáng có được nó. CEO Tăng Gia Hải Lam đã nói về điều này trong talkshow “#YouCanChallenge – Thật tuyệt vời khi bạn có thể!” do trang TheFace Magazine Vietnam tổ chức vừa qua: "Đôi khi xuất phát điểm thấp không phải bất lợi mà là lợi thế. Nó không cho mình sự lựa chọn nào ngoài nỗ lực nhiều hơn". Tôi tin rằng đây là câu nói đánh thức ý chí của nhiều người trẻ còn đang đứng giữa ngã tư đường của cuộc đời họ.

Bởi vì không ai giống ai, xuất phát điểm, hành trình và đích đến đều không giống nhau. Thế nên, nếu bạn cảm nhận được rằng bản thân thua kém đồng nghiệp, bạn phải nỗ lực gấp đôi, chạy đua với họ bằng tốc lực nhanh nhất chứ không phải ngồi đó than thân trách phận. Bạn không sinh ra là cậu ấm cô chiêu, bạn không sinh ra với chỉ số IQ cao như Albert Einstein nhưng không ai nói rằng bạn không được phép nỗ lực để tốt hơn. Khởi đầu không do bạn quyết định nhưng diễn biến sau đó phải do bạn làm chủ.

Trở thành người hạnh phúc nhất

Những nỗ lực ban đầu sẽ giúp bạn từng bước trở thành một phiên bản tốt hơn. Bạn sẽ không còn nghĩ đến việc từng là một sinh viên nghèo, từng không nói được tiếng Anh. Rồi bạn cũng như những đồng nghiệp khác, có thể thay mặt sếp đi ký hợp đồng, hay bạn cũng đã trở thành sếp.

Lại nói, bạn cũng chỉ vừa bước qua giai đoạn đầu tiên, thoát khỏi mặc cảm về chính mình, nhận ra giá trị của sự nỗ lực. Tôi đoán rằng, khi bạn có được những thành tựu đầu tiên, bạn sẽ bước vào giai đoạn bão hòa. Đó là lúc bạn bắt đầu hỏi bạn đã làm đủ chưa, liệu có công việc nào lương cao hơn không, liệu những thứ bạn đang làm có thực sự là niềm đam mê của chính bạn? Bạn bị khủng hoảng niềm tin, không còn cảm hứng để làm việc.

Nếu như bạn đang hoang mang, mất phương hướng, không sao cả, quan trọng là bạn nhận ra điều đó. Tôi muốn hỏi bạn, ngay khi bắt đầu công việc này, bạn có yêu thích nó không? Bởi vì chẳng ai dấn thân và nỗ lực cho điều bản thân cảm thấy không phù hợp, nên điều bạn cần làm lúc này là định hình câu hỏi làm thế nào để tận hưởng công việc của mình.

"Lam có khoảng gần 2 năm rơi vào trầm cảm, có lúc mình nhìn lại sau khoảng thời gian nỗ lực quá nhiều thì bản thân không thấy được cái đẹp của nghề. Mình tự hỏi mình là ai, mình ở đâu, mình làm cái gì. Mình không cảm thấy những thứ đang làm đúng với cái mình muốn. Lúc đó mình không sợ chết đói nữa, mình sợ không có đủ cảm hứng để làm việc", CEO Hải Lam chia sẻ.

Trong giai đoạn khủng khiếp đó, Hải Lam bắt đầu lắng nghe những người truyền cảm hứng. Anh tìm hiểu cặn kẽ giá trị cốt lõi trong nghề mà mình theo đuổi, dần dần anh thấy lại những cái đẹp của nghề. Kỳ thực đó là những giá trị anh vô tình lãng quên trong cuộc đua của đồng tiền, của sự chứng minh bản thân.

Hải Lam thổ lộ, nhận ra vẻ đẹp của công việc, anh bắt đầu có lại những nhiệt huyết, có đủ cảm hứng để vượt qua trở ngại. Bản thân anh không cố gắng trở thành một người xuất sắc trong công việc, mà trở thành người hạnh phúc trong công việc. Hải Lam yêu những thứ anh làm và làm những thứ anh yêu.

Điều quan trọng khẳng định vị thế của bạn trong công việc không phải mức lương, không phải chức vụ mà là niềm vui, hạnh phúc. So với việc được người khác công nhận, tự công nhận chính mình, tự hài lòng và viên mãn với những gì bản thân bỏ ra và nhận được mới là sự thành công quý báu.

Hiểu – sẵn sàng và hành động

Nhìn lại hành trình từ lúc bắt đầu đến khi trở thành người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, Tăng Gia Hải Lam miêu tả nó bằng ba từ “hiểu”, “sẵn sàng” và “hành động”. “Hiểu” chính là phải thực sự nắm bắt được công việc mình đang làm, cũng chính là tường tận thứ bản thân muốn theo đuổi. “Sẵn sàng” chính là nếu lựa chọn dấn thân không được phép quay đầu trước khó khăn, nếu lựa chọn tiếp tục không được phép buông bỏ giữa đường. “Hành động” là luôn làm việc một cách có kỷ luật, có trách nhiệm.

Chúng ta đều đang đi tìm giá trị của riêng mình. Có người may mắn dễ dàng tìm được con đường thuận buồm xuôi gió, cũng có người phải nếm mật nằm gai mới chạm đến mơ ước của mình. Ba điều Tăng Gia Hải Lam chia sẻ là một gợi ý để bạn bắt đầu hành trình tìm thấy phiên bản tốt nhất của chính mình. Và tôi cho rằng, bất kỳ người thành công nào cũng sẽ nói với bạn về điều đó.

Dù bạn làm bất kỳ công việc nào, bạn cũng đều phải hiểu rõ nó, hiểu rõ đích đến bạn muốn, cũng là không lãng quên nỗ lực mỗi ngày. Dù bạn là ai, đang ở bất kỳ thời điểm nào, cũng phải quan niệm rằng bạn không đấu tranh để trở thành người xuất sắc nhất mà trở thành người hạnh phúc nhất trong công việc, theo định nghĩa của riêng bạn.