Muốn người khác làm theo ý mình? Phải biết cách...

Thực hiện:Dịch từ nguồn: Entrepreneur | 2020-07-18

Người ta thường không thích bị sai bảo. Nhưng bạn có thể học cách "sống chung với lũ".

Con người không thích bị sai bảo. Thậm chí có một từ chỉ riêng cho điều đó: sự phản kháng.

"Phản kháng tâm lý là một trạng thái cảm xúc tiêu cực khi chúng ta không kiểm soát được hành vi của mình", theo lời Jonah Berger - tác giả cuốn "The Catalyst: How to Change Anyone’s Mind" (tạm dịch: Chất xúc tác: Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của ai đó), và là giáo sư marketing tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. "Chúng ta đã đạt đến mức độ tự do và tự chủ cao. Bất kỳ lúc nào chúng ta cảm thấy ai đó đang cố thuyết phục, hoặc áp đặt hành vi, hành động hay thái độ của mình, chúng ta theo bản năng sẽ bật chế độ "chống thuyết phục". Bạn có thể hình dung nó như một hệ thống phòng chống tên lửa vậy".

Hệ thống này có thể hữu ích theo nhiều cách. Đó là lý do chúng ta không bị các quảng cáo bán hàng làm cho cháy túi, và tại sao chúng ta (thường) không bị mắc bẫy. Nhưng sự phản kháng này cũng có thể gây ra phản ứng ngược. Một CEO có thể cần thực hiện những thay đổi cho công ty, nhưng nhân viên lại không thích bị ra lệnh làm những việc mới. Những cơ quan sức khỏe cộng đồng muốn người dân đeo khẩu trang, một số người lại xem điều đó chống lại quyền của họ. Rồi, vậy giờ làm sao đây?

Sau đây là bốn cách để thay đổi hành vi của người khác mà không kích hoạt hệ thống phòng thủ của họ.

1. Cho họ lựa chọn

"Về cốt lõi, điều khiến mọi người phản kháng là vì họ không cảm thấy mình đang nắm quyền kiểm soát”, ông Berg Berger nói. “Bất cứ khi nào bạn có thể trả lại quyền kiểm soát, và để họ tự thuyết phục bản thân thì nhiều khả năng họ sẽ chấp thuận theo".

Chẳng hạn, khi người lãnh đạo giao cho mọi người một nhiệm vụ, mọi người thường nghĩ tới tất cả những lý do tại sao họ không thích thực hiện nhiệm vụ đó. Nhưng nếu một nhà lãnh đạo cho họ hai lựa chọn : A hoặc B – họ sẽ có suy nghĩ khác. Thay vì ngồi yên đó họ sẽ suy nghĩ, "Ừm, để tôi nghĩ xem tại sao tôi không thích A" rồi "Chà, mình thích cái nào hơn nhỉ, A hay B?". Và vì họ nghĩ về cái nào tốt hơn, nên nhiều khả năng họ sẽ đưa ra lựa chọn.

2. Để họ tự sáng tạo ra phương án riêng

Làm thế nào để khiến người khác chăm chỉ hơn và làm thêm giờ? Nếu bạn ra lệnh cho họ, họ có thể bực bội. Còn nếu bạn cho họ 2 lựa chọn – làm việc thêm hoặc làm ít hơn – họ sẽ không đưa ra lựa chọn mà bạn muốn. Vậy phải làm thế nào?

Câu trả lời của Berger là: Trình bày vấn đề, để họ phát triển các giải pháp. Gần đây ông đã nói chuyện với một nhà khởi nghiệp người đã vận dụng cách này rất hiệu quả. Người sáng lập cần nhóm mình làm thêm giờ, nhưng không muốn ra lệnh. Thay vào đó, anh đã tổ chức một cuộc họp và nói, "Chúng ta muốn công ty trở thành một công ty như thế nào – một công ty tốt, hay một công ty vĩ đại?".

"Một công ty vĩ đại", mọi người trả lời.

"Vậy, chúng ta phải làm thế nào?", anh ấy hỏi.

Mọi người đề xuất giải pháp, một trong số đó là làm việc chăm chỉ hơn. Sau buổi họp, người sáng lập đã quay lại ý tưởng ban đầu và nói: "Đề xuất đó rất tốt. Hãy làm như vậy đi".

"Những người không đồng thuận sẽ làm việc chăm chỉ hơn", Berher nói, "vì họ đã tự đề xuất ý tưởng đó".

3. Chỉ ra khoảng cách

Muốn thay đổi hành vi của người khác ư? Thay vì nói rằng họ đang làm sai, Berger nói, "chỉ ra khoảng cách giữa thái độ và hành động của họ - hoặc giữa việc họ đang làm gì và những việc họ có thể đề xuất cho người khác".

Cách này cũng rất hiệu quả ở Thái Lan vài năm về trước. Chính phủ đã chạy một chiến dịch chống hút thuốc lá không thành công mà không thể tìm ra cách giải quyết. Họ đã thuê một công ty quảng cáo tên là Ogilvy Thailand và công ty này đã nghĩ ra một ý tưởng xuất chúng: họ đưa những đứa trẻ xuống phố với điếu thuốc trên tay và tiếp cận những người hút thuốc để hỏi mượn bật lửa. Để đáp lại, những người hút thuốc bắt đầu khuyên răn những đứa trẻ: "Nếu cháu hút thuốc, cháu sẽ chết sớm đó", một người lớn nói với một đứa trẻ. "Chả lẽ con không muốn sống và vui chơi sao?".

Khi những người này cho lời khuyên xong, đứa trẻ sẽ đưa cho họ một tấm thiệp và bỏ đi. Tấm thiệp ghi rằng: "Nếu bạn lo lắng cho tôi, tại sao lại không lo cho chính mình?". Những cuộc trao đổi đó đã được ghi hình lại và dựng thành một mẫu quảng cáo. Số cuộc gọi đến đường dây nhờ hỗ trợ bỏ thuốc lá đã nhanh chóng tăng thêm 40%.

4. Dùng áp lực xã hội

Con người có thể cứng đầu nhưng họ không thích bị lạc loài. "Chỉ cần chỉ ra những tiêu chuẩn là gì – ví dụ như nói với họ, "Nè, bạn biết không, mọi người ở đây đang làm như vậy đó" – có thể là cách để đối phó với sự phản kháng", Berger chia sẻ.

Một ví dụ ở Vương quốc Anh, những người thu thuế bắt đầu gửi thư cho những người không đóng thuế. Thay vì yêu cầu họ thanh toán, các bức thư chỉ ra rằng hầu hết những hàng xóm của họ đã đóng thuế. Kết quả là, tỷ lệ thanh toán đã tăng lên. "Bạn chỉ đang cho họ thông tin khiến họ cân nhắc về hành động của mình mà thôi", Berger cho biết.

Nguồn: https://www.entrepreneur.com/article/352140


Tết truyền thống đậm chất Châu Âu theo phong cách người Nga

Thực hiện:Việt Hùng | 2020-12-28

Khi không khí đã bắt đầu se lạnh thì cũng là lúc một năm mới đang dần đến. Ngoài việc chuẩn bị trang trí cho nhà cửa thì trên bàn tiệc của người Nga sẽ đầy ấp bánh kẹo ngọt và sâm panh chuẩn bị cho đêm giao thừa. Tiếng bật nút của chai sâm panh cũng chính là thời khắc năm mới bắt đầu.

Trong các công ty sản xuất sâm panh hảo hạng thì NPO AGROSERVICE được dân Nga ưa thích từ mùi vị đến khâu thiết kế sản phẩm. Phải kế đến sâm panh hương trái cây đặc biệt SANTO STEFANO với nguyên liệu chính là táo chọn lọc giúp làm “nhẹ” thức uống một cách tự nhiên nhưng vẫn giữ độ “đậm” của vị sâm panh. Sâm panh trái cây giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn so với loại thông thường. Nguyên liệu làm nên sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và không chứa các phẩm màu cũng như chất tạo hương. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sâm panh không những chứa ít calo còn giúp đẹp da, giảm huyết áp và cải thiện tâm trạng.

Đi cùng với các món ăn chính thì bánh kẹo cũng được người Nga lựa chọn đặt trên bàn tiệc một cách đa dạng. Mỗi viên kẹo, thanh bánh tượng trưng cho lời chúc một năm mới nhiều hương thơm và vị ngọt.

Các sản phẩm bánh kẹo phủ socola nhân hạt hạch đặc biệt được yêu thích từ trẻ em đến người lớn tuổi. Nguyên liệu ca cao tự nhiên, các hạt hạch được tuyển chọn và không chứa đường hóa học giúp tạo nên những sản phẩm bánh kẹo giàu protein thực vật, vitamin và các chất cần thiết cho cơ thể.

Đúng 00:00 khi tiếng chuông chào mừng năm mới vang lên, tiếng bật nút sâm panh, tiếng pháo bông rộn trời, tiếng tổng thống trên Tivi đang chúc mừng toàn thể công dân trên cả nước tạo nên một cái lễ hội rất châu Âu nhưng vẫn rất riêng của Nga.


Làm thế nào để là một công dân mạng tử tế?

Thực hiện:Ngô Tôn | 2020-12-01

Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, dù là cá nhân hay tổ chức nào đi chăng nữa, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý thật kỹ cho những sức ép có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ "đám đông trên mạng". Vậy trở thành công dân mạng văn minh cần những gì? Hãy tuân thủ "4 nguyên tắc vàng" sau đây.

Đầu năm 2020, Microsoft công bố thông tin Việt Nam đang xếp hạng 5/25 những quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường Internet. Trong báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI), top 5 chủ đề người Việt có hành xử không đúng mực bao gồm: Các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

Trong đó, bình luận thô tục chỉ là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất về việc kém văn minh của người Việt trên Internet. Bởi lẽ, đây là biểu hiện mang tính bề mặt và dễ dàng nhìn thấy nhất. Ngoài ra, các hành vi kém văn minh khác thuộc dạng "kín" còn có: liên lạc ngoài ý muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục ngoài ý muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm (29%).

Một điều đáng lưu ý là những người tham gia khảo sát của Microsoft đều nhận định những hành vi này được diễn ra khá thường xuyên trên mạng. Cụ thể, 70% đáp viên cho biết chỉ trong vòng 1 tháng gần nhất, họ từng gặp phải một trong các hành xử không đúng mực. 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương vì những hành xử không văn minh trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi như vậy một lần nữa.

Vì thế, để hạn chế được tình trạng văn hóa mạng ngày càng đi xuống, Microsoft đã phát động phong trào ứng xử văn minh trên mạng theo 4 nguyên tắc:

  • Một là, quy luật vàng: Đồng cảm, trắc ẩn và tử tế
  • Hai là, tôn trọng sự khác biệt
  • Ba là, suy nghĩ trước khi trả lời, bình luận
  • Bốn là, sẵn sàng đấu tranh

1. Quy luật vàng: Đồng cảm, trắc ẩn và tử tế

Quy tắc đầu tiên xuất phát từ việc rèn luyện sự tử tế, văn minh, vị tha mà mỗi cá nhân thể hiện. Chúng ta cần học cách đồng cảm với mọi người xung quanh, văn hóa, lịch sự trong cách thể hiện ngôn ngữ, thái độ trên mạng xã hội. Nguyên tắc xây dựng một cộng đồng là dựa trên sự tử tế, đồng cảm, giá trị mà cộng đồng mang lại là lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Do đó, nếu một trong những yếu tố này không được duy trì sẽ dẫn đến sự suy giảm văn hóa của tập thể. Bởi lẽ, cách hành xử không chuẩn mực của mỗi cá nhân sẽ trực tiếp ảnh hưởng, tác động đến thái độ, suy nghĩ của số đông và dễ dàng gây ra những vấn đề tiêu cực.

Vì vậy, việc mỗi cá nhân sống tích cực trên mạng xã hội sẽ góp phần vào hành trình "tích tiểu thành đại" những yêu thương. Đặc biệt trong giai đoạn chống Covid-19, tinh thần đồng cảm, tử tế là điều mà cộng đồng cần có để cùng chung tay, vững tâm đẩy lùi dịch bệnh. Từ lời kêu gọi tử tế của những người ở tuyến đầu chống dịch “We stay at work for you. Please stay at home for us" - "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”, ý thức cộng đồng được hình thành và trở thành trào lưu. Mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và bắt đầu sống trách nhiệm với chính bản thân, mọi người xung quanh.

Trong khoảng thời gian miền Trung Việt Nam liên tiếp gặp phải thiên tai, nhiều người dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản và phải sống trong tình trạng thiếu lương thực nhiều ngày liên tiếp. Lòng trắc ẩn một lần nữa được lan truyền nhanh chóng và kêu gọi quyên góp cứu trợ miền Trung. Nhiều mạnh thường quân vì nhìn thấy những đau thương mà quyết định đi đến từng khu vực bị thiên tai để giúp đỡ. Không bàn luận đến việc hành động này có thật sự phù hợp và đúng đắn, Điều chúng ta nên vui mừng là tinh thần đoàn kết và san sẻ từ cộng đồng được lan tỏa. Từ một mạng xã hội ảo, suy nghĩ tử tế đã biến thành hành động thật và ý nghĩa.

2. Tôn trọng sự khác biệt

Mỗi chúng ta là một cá thể độc nhất, sự khác biệt làm nên tính cách, cuộc sống của mỗi người và tô điểm cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Chúng ta không thể "hòa nước vào dầu", bởi lẽ về cơ bản, chúng có cấu trúc và tính chất khác nhau. Con người cũng thế, chúng ta không thể hoàn toàn giống nhau hoặc ép buộc người khác phải đi theo chuẩn mực của chính mình. Điều duy nhất mỗi cá nhân có thể làm được chính là tôn trọng sự khác biệt của người khác và học cách nhìn nhận đa chiều. Khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh việc công kích vào cá nhân khác.

Trong công bố của Microsoft còn đưa ra danh sách những lĩnh vực người Việt hành xử kém văn minh bao gồm: Quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%), quan điểm chính trị (23%). Và ngôn từ thô tục, dữ dằn là hình thức thể hiện của những vấn nạn này trong việc kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín người khác…

Nạn Body Shaming (miệt thị cơ thể) được ví như hành vi "giết người bằng lời nói" và rất phổ biến trên mạng xã hội Việt Nam. Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh từng bị cư dân mạng so sánh các đặc điểm trên khuôn mặt giống với loài cá. Một cô gái nhận những chê bai nhan sắc khiếm nhã, thiếu văn minh từ người lạ vì được "lên sóng" khi ngồi trên khán đài theo dõi trận bóng giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan. Một nữ sinh trong phòng thi lớp 10 ở Hà Nội bất ngờ bị dân mạng “ném đá” khi vô tình lọt vào ống kính. Lý do đơn giản vì bị cho rằng "Nhan sắc thế này mà cũng xuất hiện trên truyền hình”. Có thể nói, dù bản thân chưa từng tạo nên "sóng gió", nhưng các nhân này vẫn bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của phong trào body shaming quy mô quốc gia đầy hung hãn.

Bên cạnh đó, nạn phân biệt chủng tộc cũng là một vấn đề nhức nhối trên mạng xã hội và cuộc chiến này dường như vẫn chưa có hồi kết. Gần đây, sự xuất hiện của Covid-19 từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã vô hình trung kích động một làn sóng phân biệt chủng tộc, kỳ thị và thù hận dành cho người gốc châu Á. Hàng loạt "thuyết âm mưu" chống lại người châu Á được chia sẻ trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, những hành động cực đoan như phỉ báng, đánh đập, tấn công người châu Á, tẩy chay doanh nghiệp châu Á cũng lan nhanh không kém gì virus tại các nước phương Tây.

Thực tế, việc mỗi cá nhân lên tiếng phản biện về các vấn đề luôn là điều được khuyến khích. Tuy nhiên, góp ý, tranh luận không phải có nghĩa là "ném đá" cho bõ ghét hay dùng từ ngữ nhục mạ người khác rồi dửng dưng với tổn thương của họ và không nhận trách nhiệm của mình. Việc xúc phạm lên sự khác biệt của người khác không khác gì một con dao hai lưỡi đang chĩa thẳng vào tim, giết chết sự tự tin của họ và cả nhân cách của chính bạn.

3. Suy nghĩ trước khi trả lời, bình luận

Người xưa có câu: "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" với mục đích nhắn nhủ chúng ta cần thận trọng trong việc đưa ra phát ngôn, bình luận của mình. Bởi lẽ, lời nói cũng có thể tổn thương người khác, đặc biệt là với mạng xã hội. Thời đại internet ngày càng phát triển, tốc độ lan truyền của một câu nói là "nhanh như chớp". Một thông tin sai sự thật có thể truyền từ một cá nhân đến hàng triệu, hàng tỷ người dùng khác và làm sai lệch vấn đề. Vì thế, dù không được kiểm duyệt trước thông tin đăng tải, chúng ta vẫn cần có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình.

Ngày 28/7/2020, trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Hòa Minzy đăng tải một phát ngôn được cho là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nội dung về việc cảnh báo người du lịch và cho rằng tuần sau là mốc quan trọng để chuyển từ 75 ca lên 100 - 500 ca nhiễm bệnh, đồng thời khuyên mọi người nên ở nhà, hạn chế ra đường. Tuy nhiên, thật sự đây không phải là phát ngôn của Phó thủ tướng. Ngay lập tức, Hòa Minzy bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật.

Không riêng gì Hòa Minzy, trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng cập nhật tin về hai người Trung Quốc bị nhiễm Covid-19 và đã chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mặc dù đã lập tức gỡ bỏ bài viết ngay sau khi xác minh, nam ca sĩ vẫn nhận "gạch đá" từ cộng đồng mạng. Tương tự, diễn viên Cát Phượng từng bị phạt hành chính 10 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19. Ngày 26/1, nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Dịch bệnh đã đến quận 1, rồi sẽ lan tràn đến quận 3, quận 5, quận 7…". Sau đó, cô kêu gọi mọi người sử dụng một loại khẩu trang thông minh mặc dù không đúng với những khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra.

Có thể nói, việc đăng tải thông tin không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín của cá nhân mà còn tác động đến nhận thức của những người xung quanh. Vì thế, chúng ta cần thật tỉnh táo chọn lựa thông tin đáng tin cậy và xem xét kỹ lưỡng trước khi phát ngôn trên mạng. Tránh tình trạng gây tổn thương đến người khác và gây hại đến uy tín của chính mình, hay thậm chí là chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Sẵn sàng đấu tranh

Một cá nhân trên mạng xã hội có thể là người hành xử thiếu văn minh nhưng cũng có thể là nạn nhân của những hành vi đó. Không còn giới hạn ở trên đường hay nhà riêng, bắt nạt thời hiện đại có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, miễn là họ truy cập internet. Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng lâu dài hoặc thường xuyên đe dọa trực tuyến có thể khiến cả nạn nhân và kẻ bắt nạt có nguy cơ lo lắng, trầm cảm, thậm chí là có hành vi tự sát. Vì thế, không chỉ giữ cho bản thân mình thật tử tế, chúng ta cần phải thật "vững tâm" và mạnh mẽ để đấu tranh với những trò đùa bắt nạt trên mạng xã hội hay bình luận ác ý, sai sự thật.

Trong bối cảnh người dùng mạng đăng tải nhiều nội dung mang tính thù hận, chính trị cực đoan và chưa có chính sách rõ ràng để giải quyết tình trạng này, tập đoàn Unilever đã tuyên bố tạm dừng quảng cáo đến hết năm 2020 trên các nền tảng Facebook, Instagram, Twitter với lý do quảng cáo vào thời điểm này không làm tăng thêm giá trị cho mọi người và xã hội. Đây là một quyết định mạnh tay đến từ một trong những tập đoàn từng chi nhiều tiền nhất thế giới cho quảng cáo.

Trước Unilever, hàng loạt công ty lớn khác cũng đã tham gia chiến dịch tẩy chay để phản đối chính sách của các trang mạng xã hội này. Một số hãng lớn có thể nhắc đến như: Coca-Cola, Hershey, chi nhánh của Honda Motor tại Mỹ, nhà mạng Mỹ Verizon Communications… Ngay sau đó, giá cổ phiếu của một loạt các "ông lớn" kỹ thuật số tụt dốc nhanh chóng, trong đó có Facebook, Google, Twitter và Amazon.

Đứng trước những vấn đề cá nhân và người khác gặp phải trên mạng xã hội, chúng ta cần "mạnh tay" đấu tranh vì sự thật. Tuy nhiên, phản biện cũng cần phải tử tế. Khi nhận được vô số lời chỉ trí, xúc phạm từ anti fan, nữ ca sĩ Madilyn Bailey đã "đáp trả" một cách đầy khôn khéo khi sáng tác một ca khúc mới được viết từ những bình luận ác ý. Trấn Thành từng gây xôn xao với tin đồn liên quan đến chất kích thích. Để "thanh minh" cho mình, nam nghệ sĩ đã nhanh chóng cùng luật sư đến nhà của chủ nhân tin đồn để làm việc. Sự tử tế, kiên quyết trong đấu tranh sẽ giúp chúng ta giành được chiến thắng trong cuộc chiến này.

Thời đại công nghệ số ngày càng phát triển luôn tiềm ẩn những vấn đề bất cập và sẵn sàng biến chúng ta thành nạn nhân của những trò bắt nạt, đưa tin sai lệch. Hãy thật tỉnh táo và ghi nhớ những nguyên tắc ứng xử thông tin trên internet. Từ đó, cùng nhau xây dựng những cộng đồng trực tuyến văn minh, tử tế và tràn ngập sự đồng cảm, yêu thương.

Công thức thành công là gì nếu thiếu đi giá trị của tình yêu thương. Cùng #YeuthuongcuocsongwithTHEFACE lan tỏa các câu chuyện truyền cảm hứng đáng để chúng ta chiêm nghiệm mỗi ngày.

Mời bạn đón đọc kỳ 4: “Người tử tế đến từ thế giới ảo” từ góc nhìn của ban biên tập TheFace Magazine Vietnam.


Sức mạnh lan truyền trên mạng xã hội: Nhiều que diêm làm nên ngọn đuốc lớn

Thực hiện:Ngô Tôn | 2020-11-25

Stayhome Challenge, Vũ điệu Ghen Cô Vy, Change for future… đều là những trào lưu được “sinh ra” trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và gần đây tiếp tục các trào lưu nhận được sự hưởng ứng lớn: #YouCanChallenge, #ABetterYou... Xuất phát điểm từ mạng xã hội, chúng nhanh chóng lan tỏa và đều đặn gửi đi những thông điệp tích cực trong cuộc sống.

Có thể nói, năm 2020 là một "nốt trầm" cho kinh tế thế giới nhưng lại là "điểm sáng" cho sự phát triển của nền tảng internet, đặc biệt là mạng xã hội trực tuyến. Giãn cách xã hội khiến cho tình trạng làm việc, học tập, giải trí của mọi người dân đều chuyển sang "chế độ" online. Cũng vì thế, nhiều trào lưu mùa dịch như: #Stayhome, #QuarantineandChill, điệu nhảy Ghen Cô Vy… và gần đây với: #YouCanChallenge, #ABetterYou... dễ dàng trở thành tâm điểm chú ý hơn bao giờ hết khi số lượng người dùng ngày càng tăng nhanh.

Thế nhưng, những xu hướng này không chỉ đơn thuần dừng lại như một "làn sóng của mạng xã hội" mà còn mang đến nhiều giá trị thực tế hơn. Chúng trở thành "đặc sản" tinh thần cho cộng đồng, nhất là trong những ngày chống dịch. Hơn thế nữa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số khiến chúng ta phải công nhận rằng những trào lưu này hoàn toàn có đủ sức mạnh để tác động đến nhận thức lẫn hành động tích cực của công chúng.

Sự lan truyền: Nhiều que diêm làm nên ngọn đuốc lớn

Theo báo cáo của Statista, tính tới tháng 7 năm 2020, toàn thế giới có hơn 3 tỷ người sử dụng các công cụ Social Media, trong đó Facebook xếp hạng nhất với 2.7 tỷ tài khoản, sau đó là Youtube (2 tỷ), WhatsApp (2 tỷ), Reddit, Tiktok, Instagram, Twitter… Hơn nữa, thời lượng sử dụng mạng xã hội của công chúng vẫn tăng đều và chưa có dấu hiệu giảm sút.

Cụ thể, ngay khi Stayhome Challenge được phát động, cụm từ “We stay at work for you, Please stay at home for us” (Tạm dịch: Chúng tôi đi làm vì các bạn nên các bạn hãy ở nhà vì chúng ta) cùng hashtag #Stayhome lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trào lưu này được ra đời với mục đích ủng hộ việc chính phủ kêu gọi người dân hạn chế ra đường để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Nhiều người đã chia sẻ hình ảnh về những bác sĩ, quân nhân, bệnh nhân… đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh nguy hiểm Covid-19. Hàng loạt các nghệ sĩ nổi tiếng như Justin Bieber, Elle Fanning, David Beckham Miley Cyrus, Selena Gomez... cũng nhanh chóng đăng tải hình ảnh lạc quan ở nhà cùng nội dung ủng hộ hạn chế ra ngoài. Do đó, ngay lập tức, trào lưu này lan tỏa và phủ sóng nhiều tháng liền trên các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok, Twitter, Instagram…

Một làn sóng khác xuất hiện trong mùa dịch bệnh có thể nhắc đến chính là trào lưu nhảy Ghen Cô Vy bắt nguồn từ Việt Nam. Lời bài hát này xoay quanh câu chuyện về virus Corona và được Quang Đăng biên đạo bằng 6 động tác rửa tay theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Bộ Y Tế Việt Nam. Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, vũ điệu dễ nhớ cùng giai điệu bắt tai đã khiến cho nhiều nghệ sĩ Việt lập tức hưởng ứng cách thức lan tỏa thông điệp và giáo dục bằng âm nhạc này.

Trong chương trình Last Week Tonight With John Oliver trên kênh HBO Mỹ ngày 02/03/2020, Ghen Cô Vy đã được đề cập đến khi nói về Corona. MC John Oliver nổi tiếng với 16 giải Emmys đã bày tỏ sự phấn khích với ca khúc này: "Việt Nam, với bài hát này, đã khuyến khích mọi người rửa tay đúng cách để phòng tránh lây nhiễm Covid-19". Hơn nữa, anh còn thuần thục bắt chước theo vũ điệu rửa tay ngay trên sóng truyền hình.

Ngay sau đó, Ghen Cô Vy và vũ điệu rửa tay nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trên khắp thế giới, từ Hội Chữ Thập Đỏ đến Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ... Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cũng chia sẻ trên trang Facebook: “Chúng tôi thực sự rất là yêu vũ điệu rửa tay từ một vũ công người Việt Nam - Quang Đăng. Rửa tay sạch với nước và xà phòng là một trong những bước đầu tiên giúp bảo vệ bạn khỏi virus corona”.

Trào lưu ảo nhưng ý nghĩa thật

"Thành công của một phong trào xã hội cần có đủ các yếu tố: Độ phủ sóng truyền thông, hợp tác toàn diện, nguồn kinh phí dồi dào và công tác quản lý chặt chẽ. Trong đó, Social Media đóng vai trò đảm bảo các thông điệp truyền tải tới công chúng được mạch lạc và xuyên suốt, tạo ra sức ảnh hưởng tới các vấn đề về kinh tế - chính trị ở những phương diện cao hơn". - Kết luận từ Hội thảo "The Asian Conference on the Social Sciences" (Khoa học Mạng xã hội Châu Á), tổ chức tại Nhật Bản.

Có thể nói, giá trị truyền tải thông điệp và giáo dục của mạng xã hội đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Những trào lưu bắt nguồn từ xã hội ảo nhưng vẫn không ngừng tác động đến cuộc sống thật của tất cả chúng ta. Khi các phong trào ý nghĩa được lan tỏa, nhiều người sẽ có ý thức và nhìn nhận vấn đề về dịch bệnh theo chiều hướng tích cực hơn.

Việc lan tỏa thử thách #Stayhome hay #QuarantineandChill (Giãn cách và tận hưởng) cũng chính là ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến hành vi người dùng. Khi chia sẻ thông điệp, mọi người hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của giãn cách xã hội đối với công tác phòng chống dịch. Từ đó, thái độ nhìn nhận vấn đề cũng trở nên dễ chịu, tích cực hơn. Nhiều người bắt đầu hợp tác với chính phủ và "chọn cách ở nhà vui vẻ".

Hơn thế nữa, việc phát động các phong trào thay đổi bản thân hậu Covid để trở lại với trạng thái cuộc sống bình thường mới một cách đầy năng lượng như trào lưu #YouCanChallenge hay #AbetterYou mới đây cũng đã góp phần thay đổi lớn đến thói quen của cộng đồng. Đây được xem là thử thách "trong cái khó ló cái khôn", bởi lẽ sau đại dịch, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khiến mọi người bị rơi vào những tình huống tiêu cực hoặc bế tắc, vậy thì tại sao không thử thách bản thân làm điều đó mới mẻ?

Với thử thách #YouCanChallenge hay #ABetterYou này, mọi người có thể thách thức bản thân tập luyện thể thao tại nhà, học một điều mới mẻ hay thậm chí là đọc 1 quyển sách. Những hành động tưởng chừng như nhỏ bé này lại góp phần cải thiện cuộc sống tinh thần lẫn thể chất của mỗi người. Tuy chúng chỉ bắt đầu với mục đích theo đuổi phong trào, nhưng việc thực hiện lâu dài sẽ dẫn đến hình thành thói quen tốt và tâm trạng tươi vui cho người tập luyện. Có thể nói, mạng xã hội ảo nhưng vẫn có thể tạo ra được hành động ý nghĩa thật trong đời thường.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của mạng xã hội đồng nghĩa với việc sức ảnh hưởng của mỗi cá nhân người dùng trên nền tảng số ngày càng tăng. Do đó, việc phát động, lan tỏa một trào lưu sẽ càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Có thể trong tương lai, nền tảng mạng xã hội trực tuyến sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều phong trào, xu hướng mới và trở thành công cụ định hình tri thức của loài người.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện những trào lưu vô bổ như: Thử thách Jonathan Galindo, Thử thách Cá voi xanh… là điều không thể tránh khỏi. Chúng không chỉ gây ám ảnh tâm lý cho người tham gia mà còn tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của họ. Những điều này càng nhắc nhở chúng ta phải luôn thật tỉnh táo và cẩn trọng trong việc chọn lọc thông tin phù hợp, chính xác.

Làm thế nào để theo đuổi trào lưu trên mạng xã hội một cách thông minh, có chọn lọc?

Dưới đây là một số lời khuyên giúp người dùng chọn lựa và tiếp nhận trào lưu một cách thông minh, tích cực hơn:

1/ Tìm hiểu thật rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của những trào lưu

Trước khi quyết định ủng hộ một xu hướng mới, chúng ta cần phải thận trọng tìm hiểu thông tin về nguyên nhân, tác động, các số liệu liên quan đến phong trào đó. Tra cứu bằng Google, tham khảo các trang tin chính thống sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho chúng ta trong việc nghiên cứu ngọn ngành sự việc. Khi hiểu rõ vấn đề một cách tường tận, chúng ta có thể tự do bày tỏ quan điểm ủng hộ hay quyết định phớt lờ một trào lưu không phù hợp.

2/ Suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin

Mạng xã hội là nơi mỗi cá nhân có quyền lên tiếng để thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân mình mà không chịu sự kiểm duyệt. Tuy nhiên, những thông tin mỗi cá nhân đăng tải đều trực tiếp tác động đến suy nghĩ, nhận định của mọi người trong cộng đồng bạn bè. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm với những thông tin mà bản thân đang chia sẻ.

3/ Cẩn thận với các tin tức giật gân, không chính thống

Hiện nay, mạng xã hội tồn tại nhiều trang tin tức, group cộng đồng thường xuyên chia sẻ những tin tức giật gân, gây tò mò cho người đọc. Tuy nhiên, phần lớn các tin tức này chỉ được chia sẻ với hình thức “truyền miệng” mà không hề có sự xác nhận đúng, sai. Vì thế, người đọc cần “tỉnh táo” để chọn lọc thông tin hoặc tham khảo các trang tin tức chính thống. Mặt khác, khi gặp những bài viết bịa đặt, xuyên tạc, bôi bác cá nhân hay tổ chức… người dùng có thể sử dụng tính năng “báo cáo” để nhà quản lý đánh giá thông tin.

4/ Tránh các bài viết mang tính "bẻ lái" dư luận

Thực trạng cho thấy ngày càng có nhiều cá nhân/tổ chức chọn lựa mạng xã hội để bày tỏ quan điểm gay gắt hoặc chỉ trích người khác. Việc họ đưa ra những thông tin và ý kiến một chiều sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người đọc. Do đó, khi tham khảo một bài viết mang tính cảm xúc, nhìn nhận cá nhân, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng tính đúng sai và hợp lý của câu chuyện trước khi lên tiếng ủng hộ hoặc phản bác.

Công thức thành công là gì nếu thiếu đi giá trị của tình yêu thương. Cùng #YeuthuongcuocsongwithTHEFACE lan tỏa các câu chuyện truyền cảm hứng đáng để chúng ta chiêm nghiệm mỗi ngày.

Mời bạn đón đọc kỳ 3: "Thử thách văn minh trực tuyến" từ góc nhìn của ban biên tập TheFace Magazine Vietnam.

Nguồn: http://vannghetre.com.vn/suc-manh-lan-truyen-tren-mang-xa-hoi-nhieu-que-diem-lam-nen-ngon-duoc-lon-6573.html


Nhìn từ Thuỷ Tiên và rồi nếu một ngày chúng ta trở thành nạn nhân của nạn tấn công trên MXH?

Thực hiện:Ngô Tôn | 2020-11-23

Thời gian vừa qua có lẽ Thủy Tiên chính là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội (MXH) bởi hành trình dài giúp đỡ người dân gặp thiên tai tại miền Trung. Hình ảnh "cô tiên hiền lành" đi đến những vùng khó khăn, dang tay ôm những người nghèo khổ trong hoạn nạn chính là khoảnh khắc để lại nhiều điều tốt đẹp trong lòng khán giả nhất. Nhưng 'cô tiên' ấy cũng không tránh khỏi việc mình trở thành nạn nhân của những anti-fan trên MXH.

Hành trình hơn 20 ngày đi xuôi ngược các tỉnh miền Trung, có lẽ đã khiến Thủy Tiên thấm mệt. Cộng thêm những đêm ngủ không đủ giấc, những buổi ăn vội, phải nhịn đói từ sáng đến chiều, nữ ca sĩ giờ đây đã không còn giữ được sự tươi tắn như những ngày đầu. Tuy nhiên nụ cười vẫn không tắt trên đôi môi của cô trong những buổi gặp gỡ người dân.

Mặc kệ những ý kiến trái chiều, Thủy Tiên vẫn là "cô tiên" trong lòng khán giả

Nhận không ít chỉ trích trong quá trình từ thiện, cụ thể từ những việc như không thể sao kê cụ thể, cho tiền ít nhiều, hay sự việc hiểu lầm về bác trưởng thôn tại Quảng Trị. Thủy Tiên từ một ca sĩ có lượng khán giả ủng hộ đông đảo giờ bỗng dưng có thêm một nhóm anti fan với số lượng khá đông. Ngay chính cô cũng không nghĩ rằng, việc mình đi cứu giúp người dân, làm công tác thiện nguyện lại phải nhận về số lượng người căm ghét mình gay gắt đến như vậy.

Chính chủ cũng vừa lên tiếng để trần tình về nỗi lòng của cô khi vừa dành sức cho công tác từ thiện còn lại phải lao tâm vì thói xúc phạm trên MXH của anti fan. Trong bài đăng mới nhất trên trang cá nhân, Thủy Tiên cho biết rằng cô không sợ một ai "chửi" mình, chỉ sợ hiệu ứng đám đông trên MXH sẽ đạp đổ đi công việc mà cô đang cố gắng để nuôi sống bao nhiêu người. Thủy Tiên cho biết, không chỉ chỉ trích mình bằng cách cắt ghép những đoạn bình luận, tin nhắn để dễ đường tấn công mà những anti fan còn tìm đến các nhãn hàng mà Thủy Tiên đang đại diện để tẩy chay. Việc làm này vô tình làm "giọt nước tràn ly", nữ ca sĩ không thể khoan nhượng trước sự độc đoán của một bộ phận người dùng MXH.

Khi đọc được những dòng chia sẻ của Thủy Tiên, nếu là một người theo dõi chặng hành trình dài của nữ ca sĩ, hẳn ai cũng cảm thấy bức xúc, nhưng trên hết là đau xót. Họ đau, họ xót trước một xã hội biến chất, khi cái tôi con người được ném liệng một cách bừa bãi lên trên những người, những hoàn cảnh mà mình chưa từng một lần gặp gỡ. Những phán đoán chủ quan đầy tiêu cực, những áp đặt ích kỷ lên một cá nhân đang cứu giúp hàng nghìn con người đang hoạn nạn. Trước tình cảnh quá xót xa này, khán giả của Thuỷ Tiên chắc hẳn đang bật khóc vì quá thương cho cô ca sĩ chân yếu tay mềm, lẽ ra đang yên ấm bên chồng con và đang tận hưởng cuộc sống viên mãn khó ai bì kịp.

Giờ đây, khi chiếc lao được ném đi, Thủy Tiên không còn cách nào khác khi phải tiếp tục chặng hành trình của mình để cứu giúp người dân đến khi số tiền quyên góp cho miền Trung hết đi. Nhưng ngay lúc này, sức khoẻ của cô cũng không còn đảm bảo, tinh thần mỗi ngày căng như dây đàn khi phải xử lý những vấn đề liên quan đến việc phân phát tiền cứu trợ, mặt khác lại phải đương đầu với cơn sóng chỉ trích từ anti fan. Thật đáng thương, đáng thương cho những người đang nhìn nhận vấn đề một cách tiêu cực. Họ cố tìm ra những lỗi sai nhỏ nhặt để rồi quên mất đi hết một hành trình dài Thủy Tiên đã giúp đỡ bao nhiêu số phận để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống và đối đầu với những biến cố. Phải chăng, những thành phần được gọi là anti fan, họ đang không thể cảm nhận những việc mình đang làm là sai?

Chúng ta cần trở nên văn minh hơn dù là trên MXH hay đời thực

Trong thời đại 4.0, MXH dần trở thành bộ mặt thứ hai của mỗi cá nhân. Tại đây, chúng ta không những cần hoàn thiện đạo đức mà còn phải tự rèn giũa cách giao tiếp, ứng xử. Mỗi cú like, share, bình luận đều gắn liền với hai chữ trách nhiệm để chúng ta cần phải đặt nặng hơn trước mỗi hành động/ phát ngôn trên MXH đều sẽ được ghi nhận như đời thực. Thời gian vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã có không ít cá nhân bị xử lý, phạt hành chính vì tội tung tin đồn thất thiệt lên MXH. Đây được xem là một trong những hành động thiết thực nhất nhằm góp phần giải quyết các vấn nạn nói trên.

Từ câu chuyện của Thủy Tiên có thể thấy, một bộ phận người sử dụng MXH thời gian gần đây dường như trở nên khá tiêu cực trước những vấn đề của xã hội. Việc này rất có thể sẽ trở nguy hiểm đối với tất cả người dùng MXH nói chung. Chúng ta thật không thể đoán trước được điều gì, cũng rất có thể, một ngày nào mình cũng trở thành nạn nhân của những hành động này.

Thế nên, ứng xử trên mạng đang có xu hướng trở nên tệ hơn trong thời gian tới. Thời gian vừa qua, hãng Microsoft cũng đã phát động phong trào Thử thách văn minh trực tuyến với 4 hành động chính:

Một là, cư xử trên mạng theo quy tắc vàng: đồng cảm, trắc ẩn và tử tế.

Hai là, tôn trọng sự khác biệt.

Ba là, nghĩ trước khi bình luận về những thứ mình phản đối.

Cuối cùng là, đấu tranh cho người khác và bản thân khi thấy bất cứ ai hoặc chính mình trở thành đối tượng của tấn công mạng.

Mặc dù đây cũng chỉ là những nhận định trên mặt lý thuyết, nhưng đối với thực trạng trên MXH hiện nay, từ góc độ của mỗi cá nhân sử dụng mạng, chúng ta đều nên điều chỉnh từng hành vi của bản thân trên MXH để góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Công thức thành công là gì nếu thiếu đi giá trị của tình yêu thương. Cùng #YeuthuongcuocsongwithTHEFACE lan tỏa các câu chuyện truyền cảm hứng đáng để chúng ta chiêm nghiệm mỗi ngày.

Mời bạn đón đọc kỳ 2: "Ý nghĩa thật từ những trào lưu ảo trên MXH" từ góc nhìn của ban biên tập TheFace Magazine Vietnam.

Nguồn: http://vannghetre.com.vn/nan-tan-cong-tren-mang-xa-hoi-goc-nhin-tu-ca-si-thuy-tien-6570.html


Ngô Trần Hải An: “Mỗi người cần phải thử tất cả những gì mà mình thích vì khi còn trẻ chúng ta có rất nhiều cơ hội để sửa sai.”

Thực hiện:Đỗ Tài | 2020-12-09

Ngô Trần Hải An còn được nhắc đến với tên gọi travel blogger "Quỷ Cốc Tử", anh sở hữu một "gia tài" đồ sộ với hành trình khám phá hơn 40 quốc gia, gặp mặt tổng thống Nga, Mỹ, Canada, Đức giáo hoàng… và nhiều người nổi tiếng trên thế giới.

Chỉ riêng trong năm 2019, Hải An đã có tới khoảng 152 ngày ở nước ngoài và hơn 90 chuyến bay. Đâu ai ngờ được chàng trai từng trượt đại học, bị cho rằng là “kẻ lông bông” giờ đây lại trở thành một phóng viên ảnh tài năng và có những trải nghiệm đáng mơ ước tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trốn tránh lời bàn tán nhưng gặp phải đam mê

18 tuổi, Ngô Trần Hải An biết tin mình trượt đại học và gặp phải vô số áp lực từ gia đình lẫn những lời gièm pha từ bên ngoài. Quyết định trốn tránh vấn đề, Hải An tạm "né" ra nhà chú và rong ruổi khắp Nha Trang. Suốt 2 tháng, chàng trai lang thang ở làng chài, tập đi câu mực với ngư dân và bắt đầu có cảm xúc về những chuyến đi. Một năm sau, Hải An đậu đại học Khoa Công nghệ thông tin và trở lại con đường học tập.

Đam mê dịch chuyển bắt đầu hình thành trong chàng trai trẻ và thôi thúc anh bắt đầu chuyến đi đầu tiên ở Hội An, vào năm 2001. Lúc đó, vì kinh phí vẫn còn hạn chế, Hải An cùng 6 người bạn quyết định đi nhờ xe, ăn mì gói và lang thang lên tận Lào Cai, Sapa… Nhưng cũng nhờ đó, anh gặp được những thứ mới mẻ và học được nhiều điều: "Nhớ lại lần đó, chúng tôi bắt xe đi qua đèo Hải Vân, nửa đêm mới biết dân xế nghiện xì ke, tiêm chích công khai. Cả 8 người sợ quá, không dám ngủ. May mà không sao, hôm sau lại đi tiếp. Trong một ngày thay đổi từ địa điểm này qua địa điểm khác, gặp nhiều văn hóa vùng miền, từ đồng bằng đến miền núi, vùng biển, rồi vùng rừng… cảm xúc rất khác nhau".

Kể từ chuyến đi đó, thú đam mê phượt bắt đầu trỗi dậy. Hải An bắt đầu lập ra kế hoạch khám phá, ban đầu là đến những vùng lân cận vào cuối tuần, sau đó là đi khắp các tỉnh thành dựa vào mối quan hệ, bạn bè giúp đỡ. Dần dần, không có tỉnh thành nào là anh chưa từng đi qua, anh cũng không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chuyến đi và gặp bao nhiêu người.

Càng đi đến nhiều nơi, Hải An càng gặp được những con người thú vị và mở mang tâm trí, lĩnh ngộ được nhiều chân lý cuộc sống. Thế nhưng, những tưởng phượt chỉ dừng lại ở mức là một sở thích, một thú vui, Hải An khiến nhiều người bất ngờ khi anh quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê. Anh chọn cách đánh đổi, một cuộc sống ổn định cùng công việc tối để đối mặt với những lo lắng từ gia đình và những gánh nặng gièm pha của xã hội.

Nhiều người khuyên Hải An từ bỏ đam mê và xin một công việc ổn định, nhưng anh vẫn kiên quyết: "Tôi phải làm chủ cuộc đời mình. Tôi nghĩ cuộc đời mỗi người đều có bước ngoặt mà tự mình mới hiểu được ý nghĩa của nó là gì. Vì vậy tôi kiên nhẫn theo đuổi con đường của mình, thậm chí là phải đánh đổi bằng cả mạng sống”.

Đam mê khám phá nhưng không liều lĩnh

Nhiều người cho rằng Hải An vô cùng liều lĩnh khi từ bỏ công việc và rong ruổi khắp mọi miền đất nước, nhưng với anh, đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Anh quyết định đặt ra cho mình những nguyên tắc, định hướng rõ ràng về mục tiêu cần hướng tới. Đối với những chuyến đi nguy hiểm như chinh phục Mốc biên giới 79 cao nhất Đông Dương, mốc 42 cao thứ hai Đông Dương, cực đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải... Hải An luôn chuẩn bị rất kỹ từ việc tập luyện sức khỏe đến kiến thức khu vực, các mối quan hệ có thể giúp đỡ anh trong hành trình.

Thói quen chuẩn bị kỹ lưỡng trước mọi hành trình chinh phục những cung đường phượt dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của anh. Sau thời gian làm nhiều công việc như: nhân viên IT, marketing, giám đốc kinh doanh, startup quán cà phê… Anh bắt đầu tìm thấy nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp với nghề báo. Đặc biệt, công việc này còn có thể giúp anh vừa được thỏa mãn đam mê trở thành travel blogger.

Hải An đặt ra mục tiêu rất rõ ràng cho mình, đó là trở thành một phóng viên ảnh nổi tiếng để có cơ hội được trải nghiệm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và phát triển bản thân. Hải An luôn trân trọng từng cơ hội và phát triển chúng mà không hề bó buộc mình trong một không gian nhất định. “Tôi đã làm việc rất nhiều. Tòa soạn giao chụp gì cũng chụp, không ngại khó, ngại khổ. Chụp nhiều lĩnh vực khác nhau để có cơ hội trải nghiệm, thu lượm được nhiều kiến thức. Tôi luôn tin rằng, khi làm bất kì việc gì, bạn hãy làm chúng một cách chân thành, cơ hội và thành công sẽ đến”, anh nói.

Đối với những mục tiêu nhỏ hơn, Hải An vẫn đưa ra từng bước đi chắc chắn. Nếu muốn chụp ảnh tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu tổng thống Obama, thủ tướng Canada Trudeau... anh phải hoàn thành tốt những công việc đã được giao, không ngừng trau dồi thêm kinh nghiệm. Sau đó, anh sẽ tìm cách xin cấp phép tác nghiệp và rèn luyện bản thân để hiện thực hóa nó. Anh cho rằng: "Mình cứ làm từ những điều nhỏ tự nhiên sẽ thành những mục tiêu lớn. Nên chia nhỏ những mục tiêu của mình ra để làm, một mặt xây dựng mối quan hệ, một mặt nâng cao kỹ năng bản thân, 1 mặt tìm hiểu thông tin đầy đủ. Tất cả kết hợp lại sẽ đạt được mục tiêu".

Trong từ điển của Hải An chưa bao giờ có hai chữ “bỏ cuộc”, anh vẫn luôn cho rằng bản thân cần nỗ lực hết mình để làm việc. Vì thế, dù có thất bại, anh sẽ không có gì day dứt và tìm một hướng khác. Anh quan niệm: "An thấy rằng mọi thứ đối với An đều tích cực, kể cả những thất bại. Vì cuộc sống luôn có 2 mặt, cái xấu cũng sẽ cho mình những giá trị trải nghiệm. Đâu phải lúc nào bay lên trời cũng tốt, đôi khi thử nhảy bungee xuống vực sâu cũng cho mình một trải nghiệm khác. Dù thành công, thất bại hay những cung bậc cảm xúc có thế nào thì cũng là những điều tích cực đối với chính mình".

Dần dần, anh nhận được sự tin tưởng của tòa soạn và giao cho những đề tài khó ở nước ngoài. Ai có thể ngờ được chàng trai trượt đại học năm ấy từng bị gọi là một kẻ vô công rồi nghề lại được gặp đức giáo hoàng, chụp những trận đấu bóng của Cristiano Ronaldo, chụp các đội bóng nổi tiếng Manchester United, Liverpool, Juventus... hay gặp các thủ tướng, nguyên thủ quốc gia.

Sau hơn 18 năm khám phá trên những cung đường trong và ngoài nước, Hải Anh khiến nhiều người phải trầm trồ với “gia tài” đồ sộ là những chuyến đi. Anh đến nhiều nơi trên thế giới, đặt chân đến những vùng đất lạ như: Jerusalem, Jordan, Ai cập, Israel, Palestine, lặn ngắm cá mập trắng săn mồi, bay khinh khí cầu trên bầu trời Cappadocia, Lang thang trên những núi tuyết ở Pakistan, đến những vùng đất hoang sơ ở New Zealand.

Thế nhưng, điều khiến anh tự hào nhất chính là sự thay đổi trong chính con người mình. Từ một chàng trai sốc nổi, ít chia sẻ, ít lắng nghe, Hải An dần học được cách yêu thương, đồng cảm. Anh chia sẻ: "Chính những chuyến đi đã cho tôi gặp những con người mới, họ dạy cho tôi nhiều bài học hay. Như chuyện tôi xém chết trên đường leo cột mốc 42 và được người khác cứu, tôi thường hỏi vì sao những người xa lại lại tốt với mình như vậy. Những được mất của cuộc đời và nhiều thứ khác khiến tôi biết lắng nghe, biết bỏ qua nhiều thứ, bớt sân si".

Sau mỗi chuyến đi, quan niệm và cách nhìn nhận cuộc sống của Hải An cũng dần thay đổi tốt hơn. Từ những chuyến đi chơi đơn thuần là thỏa mãn đam mê, Hải An đã biến chính sở thích của mình thành một phần công việc, kết hợp với những chuyến đi công tác. Nhờ đó, anh không chỉ có thể kiếm được tiền lo cho gia đình mà còn tiếp tục duy trì ngọn lửa đam mê. "18 năm trước tôi đi để tìm kiếm những khung cảnh đẹp, những điều mới mẻ. Nhưng giờ tôi không còn quan trọng những thứ đó, bây giờ tôi đi để gặp những con người mới, trò chuyện với họ để được lắng nghe những câu chuyện thú vị", Hải An cho biết.

Như mũi tên lao thẳng về phía trước bất chấp những khó khăn, chướng ngại vật, Hải An đã lên sẵn cho mình những kế hoạch tương lai. Anh sẽ tiếp tục công việc của một travel blogger để đi chia sẻ những câu chuyện, gặp gỡ những con người, những điều thú vị trong cuộc sống. Bên cạnh đó, anh vẫn hoàn thành công việc của một phóng viên ảnh để được tác nghiệp trong những sự kiện lớn trên thế giới như World Cup 2022 sắp tới, Lễ trao giải Grammy, Oscar và sẽ mở một homestay nho nhỏ để kết giao gặp gỡ bạn bè.

Từ những kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua, Hải An rút ra rất nhiều bài học và phương châm cuộc sống mà những người đang chập chững bắt đầu theo đuổi ước mơ cần ghi nhớ:

1. Tận dụng sức mạnh của tri thức

"Điều mà An cảm thấy hối tiếc là hồi đó mình đã không nỗ lực học tập, vì mình lười. Mình không cố gắng cho việc học tập. Nếu ngày trước mình cố gắng hơn 1 chút thì có thể hiện tại mình đã có những cơ hội lớn hơn và An có thể đi nhanh hơn hiện tại", Hải An chia sẻ.

Vì thế, dù chúng ta muốn lập nghiệp hay làm bất cứ điều gì thì vẫn cần phải có tri thức. Việc học có thể không bắt buộc phải ở giảng đường đại học mà còn ở có thể từ những môi trường khác. Thế nhưng, đừng nghĩ là ra đời, trường đời sẽ dạy ta những điều quan trọng. Tri thức từ môi trường giáo dục chính thống sẽ cho ta những nền tảng vững chắc để bước vào đời.

2. Tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tri thức

Việc kết giao nhiều bạn bè sẽ giúp chúng ta học hỏi thêm nhiều kiến thức. Nếu muốn tìm hiểu về lĩnh vực nhiếp ảnh, hãy học cách kết bạn với những người trong lĩnh vực đó, chủ động tham gia các hội nhóm, tham gia workshop. Khi chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhiều người, những điều mới mẻ sẽ dần được xuất hiện. Theo Hải An, nhờ được gặp gỡ nhiều hoàn cảnh, lắng nghe những câu chuyện cuộc sống của những người xung quanh mà anh đã học được các lắng nghe và luôn nhận được sự giúp đỡ lúc cần thiết.

3. Đừng ngại "thử"

Với những người bắt đầu lập kế hoạch cuộc đời việc cần phải làm là phải thử. Hải An cho rằng: "Mỗi người cần phải thử tất cả những gì mà mình thích vì khi còn trẻ chúng ta có rất nhiều cơ hội để sửa sai. Dành ra 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm thử tất cả mọi thứ để tìm ra đâu là đam mê thực sự, đâu là sở trường thực sự, đâu là cái phù hợp với năng lực của mình. Để rồi sau 3 năm sai sót bạn sẽ có 1 con đường đúng đắn để đi. Chứ không phải đi 5 năm, 7 năm rồi mới nhận ra mình không phù hợp thì tất cả đã quá muộn màng”.

4. Hãy cứ mơ mộng về những điều "vượt sức"

Mơ mộng hão huyền thì không nên nhưng mơ mộng thì hoàn toàn nên. Chúng ta có thể mơ mộng về 1 điều gì đó vượt qua sức mình. Bởi vì ngay thời điểm hiện tại có thể chúng ta không thể nhưng không có nghĩa 5 năm hay 10 năm sau điều đó không thể. Khi đang đứng ở vị trí hiện tại, chúng ta bị giới hạn về tầm nhìn nhưng không có nghĩa sẽ bị giới hạn về năng lực.

Tuy nhiên, chỉ có đam mê mới giúp chúng ta đi đúng hướng và vượt qua chướng ngại. Chọn đúng đam mê trên đúng năng lực sở trường cùng sự nỗ lực sẽ giúp chúng ta đạt được ước mơ.

5. Không ngừng chiến đấu với chính mình

Những thành công trước mắt chưa chắc sẽ kéo dài đến tương lai, chúng ta cần nỗ lực mỗi ngày, chiến đấu với bản thân và chấp nhận những cái mới. Triết lý thực tế của cuộc sống chính là chúng ta đang già đi khi mọi thứ đang dần trẻ hóa, chính vì thế mà chúng ta lại cần bỏ nhiều sức lực, làm mới mình và học hỏi nhiều hơn.

Nguồn: http://vannghetre.com.vn/ngo-tran-hai-an-moi-nguoi-can-phai-thu-tat-ca-nhung-gi-ma-minh-thich-vi-khi-con-tre-chung-ta-co-rat-nhieu-co-hoi-de-sua-sai-6566.html